Ngày 20/4/2023 tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Đại học RMIT cùng các đối tác trong nước và quốc tế đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh”. Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Tuần lễ được diễn ra từ ngày 17/4 – 23/04/2023 nhằm hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2023) cũng như tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) và quảng bá các sản phẩm đạt THQG Việt Nam đã được Chính phủ công nhận.
Diễn đàn năm nay được tổ chức theo hình thức hybrid (trực tiếp và trực tuyến) đã thu hút sự tham gia đông đảo từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh gửi lời chúc mừng tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đạt được những thành tựu trong năm vừa qua để giúp Thương hiệu quốc gia Việt nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Thứ trưởng Khánh cho biết: “Trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm Thương hiệu quốc gia tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022”. Với những tín hiệu tích cực trên, các doanh nghiệp THQG Việt Nam đang dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đó là đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp mà tiêu biểu là giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị THQG Việt Nam.
Bà Nancy Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California, Fullerton có bài trình bày với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm/ thương hiệu doanh nghiệp trong mối tương quan với thương hiệu quốc gia” với các ví dụ rất nổi tiếng và điển hình đến từ nhiều nước trên thế giới như Samsung của Hàn Quốc, thương hiệu nước tăng lực Red Bull số một thế giới đến từ Thái Lan hay Apple của Mỹ…
Cũng là câu chuyện liên quan đến định vị thương hiệu quốc gia và các chiến lược phát triển thương hiệu, Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương đã có bài tham luận chia sẻ về các yếu tố gia tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, bao gồm 07 thuộc tính được đo lường bởi Chỉ số quyền lực mềm: Kinh doanh & Thương mại, Chính phủ, Quan hệ quốc tế, Di sản văn hoá, Thông tin & Truyền thông, Giáo dục & Khoa học, Con người & giá trị, Tương lai & bền vững.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững và thân thiện với môi trường là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực. Nhận định về vấn đề này, Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đã có phần chia sẻ về “Xây dựng thương hiệu đi đôi với chiến lược bảo hộ sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước”. Trong đó, Ông Hồng có đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp đó là nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền
Sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu cũng như có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là ở nước ngoài
Ngoài các nội dung liên quan đến phát triển thương hiệu bền vững, Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc NielsenIQ Việt Nam cũng đã có bài trình bày về “Giải pháp truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên số”. Bà Hà nhấn mạnh Việc truyền thông thương hiệu cần được thực hiện hướng tới cả khách hàng bên ngoài và khách hàng bên trong (nhân viên của doanh nghiệp)
Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 đã có phiên tọa đàm giữa lãnh đạo Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng với các chuyên gia Việt Nam và quốc tếđể trao đổi với chủ đề: Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh. Tăng trưởng xanh được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, hiện cũng khá nhiều nhiều doanh nghiệp Việt đã nỗ lực đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội… để cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Việc thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển XANH để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì vai trò của nhà nước cũng đặc biệt quan trọng.
Tọa đàm đã trở thành buổi trao đổi bổ ích, đa chiều và truyền cảm hứng về hành trình xây dựng THQG Việt Nam XANH.. Từ đó, thông qua tọa đàm có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu XANH ngày càng hiệu quả hơn, chắp cánh cho Thương hiệu Việt Nam bay cao hơn và xa hơn trên bản đồ thương hiệu thế giới.